Nhà ống, nhà phố là loại hình kiến trúc rất phổ biến ở nước ta bởi những ưu điểm về chi phí xây dựng thấp, mức độ tùy biến cao. Tuy nhiên, vì quá dài nên nhược điểm thường thấy của loại hình này là chiếu sáng và thông gió tự nhiên không tốt. Điều này làm cho nhà ở bị tối và ngột ngạt, giảm chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, giếng trời là giải pháp để giải quyết vấn đề này, tạo nên một không gian sống thông thoáng, sáng sủa và đẹp đẽ cho ngôi nhà của bạn.
1. Giếng Trời Là Gì? Giếng Trời Có Vai Trò Gì?
Giếng trời là một khoảng không gian được thiết kế theo phương thẳng đứng, thông từ tầng trệt đến mái của nhà ở hoặc tòa nhà cao tầng.Trong những căn nhà có diện tích nhỏ hẹp hoặc nhà lệch tầng, có một giếng trời tạo cảm giác cao và rộng hơn cho ngôi nhà. Còn đối với những nhà phố có chiều dài lớn, một giếng trời rộng giữa nhà giúp cả ngôi nhà đủ ánh sáng tự nhiên và thông thoáng từ trước ra sau. Khi đó khí hư, khí độc tù đọng được giải phóng làm tăng hàm lượng Oxi trong không khí, đem lại chất lượng sống tốt nhất cho ngôi nhà của bạn.
Nếu đặt giếng trời giữa nhà, nó sẽ đóng vai trò như một vách ngăn chia không gian phòng khách và bếp. Thay thế cho những bức vách cố định, giúp không gian thông suốt, tạo cảm giác ngôi nhà rộng rãi hơn. Không những thế, tại vị trí này, khi kết hợp với cầu thang, giếng trời còn giúp lấy sáng tự nhiên cho hệ thống giao thông đứng và đối lưu không khí cho cả ngôi nhà.
Còn nếu đặt giếng trời ở cuối nhà, phía gần bếp và phòng ăn sẽ tạo sự thông thoáng cho khu vực này. Lời khuyên của tôi là bạn không nên tiết kiệm diện tích để làm giếng trời cho khu vực này. Có một giếng trời giúp khu vực bếp và phòng ăn trở nên thông thoáng và sáng sủa hơn.
Bên cạnh đó, giếng trời còn mang lại nhiều lợi ích khác như tạo không gian sang trọng, tạo góc quan sát rộng… Đối với một số thiết kế nhất định, giếng trời còn tạo thành điểm nhấn cho ngôi nhà, giúp ngôi nhà của bạn thẩm mỹ và phong cách hơn.
>>> Xem Thêm: Đặt Gương Đúng Phong Thủy – Những Vị Trí Cần Tránh
2. Thiết Kế Diện Tích Giếng Trời Bao Nhiêu Là Đủ?
Dưới đây là một số lưu ý để thiết kế giếng trời cho ngôi nhà của bạn:
- Bạn nên tính toán khoảng giếng trời nhà phố thật tỉ mỉ để đảm bảo cho nhà ở được cân đối hài hòa. Diện tích giếng trời quá lớn hoặc quá nhỏ so với tổng diện tích sàn đều gây sự mất cân đối cho ngôi nhà của bạn. Diện tích giếng trời quá nhỏ sẽ không đảm bảo chức năng thông gió và chiếu sáng, còn nếu quá lớn sẽ gây lãng phí không cần thiết. Theo tôi, diện tích cho giếng trời của nhà phố rơi vào 10% diện tích sàn là hợp lý. Với một số ngôi nhà được thiết kế theo hướng sinh thái thì diện tích giếng trời có thể tăng lên đến 20 – 30%.
- Nên đặt giếng trời sát một bên tường nhà để tận dụng không gian sử dụng cho cầu thang và các chức năng khác. Ngoài ra, âm thanh hay bị vang giữa các tầng, làm cho hoạt động của các thành viên trong gia đình không được thoải mái, mất sự riêng tư. Chính vì thế nên gia công tường của khoảng không này xù xì, nhám, sần để tiêu âm. Hiện nay, các thiết kế mẫu nhà hiện đại thường sử dụng các vật liệu trang trí, sơn gai, ấp gạch thẻ, xây gạch trần… để làm giảm truyền âm của giếng trời hay giếng trời. Bên cạnh đó, sử dụng cây xanh, cây leo cũng là một biện pháp để cách âm hiệu quả, đồng thời đem lại màu xanh thiên nhiên cho ngôi nhà của bạn.
- Cần chú ý thiết kế hệ thống che mưa cho giếng trời một cách kỹ lưỡng. Mái che giếng trời phải có khoảng hở để tận dụng đối lưu không khí, tốt nhất là làm hệ thống mái che di động, có thể mở ra lúc cần lấy gió và đóng lại khi thời tiết không tốt. Trong trường hợp không có mái che thì cần tổ chức thoát nước thật tốt ở đáy giếng (tức là phần sàn tầng 1 thẳng với đỉnh giếng). Đáy giếng phải đủ rộng, khu vực xung quanh giếng trời ở các tầng nên có hệ thống che chắn như tường, ngách cửa hợp lý để nước mưa rơi xuống sàn không bị bắn vào những không gian xung quanh, ảnh hưởng tới sinh hoạt của gia đình.
- Nên có hệ thống hành lang đủ cao ngăn cách với khoảng giếng trời để đảm bảo an toàn cho việc sử dụng trong gia đình. Nếu bạn muốn treo nhiều cây xanh để làm xanh mát thêm ngôi nhà của mình thì cần chú ý đến việc rơi vỡ gây nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình.
>>> Xem Thêm: Lưu Ý Quan Trọng Để Cá Nhân Hoá Khi Thiết Kế Hồ Bơi Biệt Thự
3. Một Số Gợi Ý Nhỏ Để Sử Dụng Hiệu Quả Giếng Trời
Nếu giếng trời có diện tích tương đối rộng, có thể bố trí thêm phòng đọc sách hay làm việc lơ lửng trong khoảng giếng trời. Như vậy vẫn đảm bảo lưu thông không khí và ánh sáng nhưng được thêm một phòng nhỏ để sử dụng. Bạn có thể tham khảo sử dụng lưới treo giữa khoảng giếng trời làm nơi đọc sách, vui chơi cho gia đình. Tuy nhiên cần chú ý thi công an toàn, tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Nếu khoảng giếng trời có bố trí thêm cầu thang, bạn nên bố trí cầu thang ở giữa khoảng không này để không khí, ánh sáng đi từ hai bên xuống dưới, đảm bảo đối lưu không khí tốt nhất cho không gian. Dưới khoảng giếng trời, bạn có thể bố trí một hồ nước nhỏ và thêm vài cây cảnh trang trí làm không gian xung quanh sống động thêm, hoặc ưu tiên thiết kế một vườn cảnh khô trang trí.
Trên đây là những bí quyết để thiết kế giếng trời trong nhà phố, hi vọng qua bài viết này, các bạn sẽ có đủ kiến thức để thiết kế nên một khoảng giếng trời tuyệt đẹp cho ngôi nhà của mình.
>>> Xem Thêm: Hướng Dẫn Thiết Kế Sân Vườn Biệt Thự Theo Cách Cá Nhân Hoá
>>> Xem Thêm: Cần Bao Nhiêu Cửa Khi Thiết Kế Cửa Sổ Phòng Ngủ ?